Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự tuyển Công chức mới nhất năm 2023
Làm việc trong các cơ quan nhà nước (Bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh…) luôn là niềm mơ ước của rất nhiều người. Việc thi tuyển khu vực công (thi tuyển công chức, viên chức) vẫn luôn là đề tài vô cùng hot trên các diễn đàn thi tuyển, tìm việc.
Nếu bạn đang quan tâm đến khu vực công? Nếu bạn đang mong muốn thi tuyển vào làm việc trong các cơ quan nhà nước nhưng còn lăn tăn, không rõ bản thân mình có đủ điều kiện dự thi hay không? Thì hôm nay, Công chức 247 sẽ tổng hợp cho bạn các điều kiện, tiêu chuẩn mà bạn phải đáp ứng nếu muốn dự tuyển vào các cơ quan nhà nước và xa hơn trở thành một công chức trong bộ máy nhà nước.
Nếu bạn muốn tìm hiểu một cách chính tắc, Điều 36 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2019 đã có quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự tuyển công chức, theo đó:
Không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, nếu bạn đáp ứng tất cả 07 điều kiện dưới đây thì bạn hoàn toàn đủ điều kiện đăng ký dự tuyển công chức (đủ điều kiện nộp hồ sơ), 07 điều kiện đó gồm:
Thứ nhất: Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam
Công chức nhà nước gồm những người làm việc trong các cơ quan thuộc bộ máy Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nên đòi hỏi người đó phải có quốc tịch Việt Nam. Bạn có thể có 1, 2 hay nhiều quốc tịch nhưng miễn trong số đó có 01 quốc tịch là Việt Nam thì bạn đã đáp ứng điều kiện đầu tiên rồi
Thứ hai: Đủ 18 tuổi trở lên
Theo quy định của pháp luật, một người đủ 18 tuổi thì có năng lực hành vi dân sự, có khả năng nhận thức, làm chủ hành vi và chịu trách nhiệm với hành vi của mình, vì vậy, muốn đăng ký dự thi công chức thì bạn cũng cần đủ 18 tuổi.
Thứ ba: Có đơn dự tuyển, có lý lịch rõ ràng
Đơn dự tuyển để thể hiện ý chí và nguyện vọng của thí sinh muốn thi vào vị trí nào. Đồng thời, đơn dự tuyển cũng là văn bản thể hiện các thông tin cơ bản của thí sinh đến với cơ quan tuyển dụng.
Ngoài ra, bạn cũng cần phải có lý lịch thật chuẩn bởi mỗi cơ quan là một mắt xích quan trọng trong bộ máy nhà nước, mỗi người làm việc trong các cơ quan đều đòi hỏi sự trung thành, tuân thủ tuyệt đối pháp luật để bảo đảm hoạt động của cơ quan cũng như sự vững mạnh của nhà nước.
Thứ tư: Có văn bằng, chứng chỉ phù hợp
Nó giống như kiểu bạn nộp vào vị trí việc làm là kĩ sư xây dựng nhưng lại chỉ sở hữu tấm bằng kinh tế vậy, mỗi vị trí việc làm sẽ đòi hỏi trình độ, năng lực khác nhau, vì vậy người dự thi buộc phải có văn bằng, chứng chỉ phù hợp với vị trí dự tuyển. Để xác định xem văn bằng của mình có phù hợp hay không, các bạn hãy đối chiếu thông tin về ngành/chuyên ngành trên bảng điểm/văn bằng với tiêu chuẩn, điều kiện trong thông báo thi tuyển.
Thêm vào đó, văn bằng và chứng chỉ là 2 thứ khác nhau, văn bằng thể hiện kết quả đào tạo sau khi kết thúc một chương trình học mang tính dài hạn (như học xong THPT, tốt nghiệp Đại học, Thạc sĩ…), trong khi các loại chứng chỉ thường được đề cập trong các cuộc thi công chức lại là chứng chỉ Tiếng Anh, Tin học thông qua các đợt thi…
Thứ năm: Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt
Phẩm chất chính trị là nhận thức, tư tưởng, ý chí của một người về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước. Và dĩ nhiên rằng “người nhà nước” thì cần phải có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt để góp phần xây dựng bộ máy nhà nước hoạt động hiệu quả, vững mạnh.
Thứ sáu: Đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ
Sức khỏe luôn là điều kiện cần có không chỉ đối với nghề công chức mà tất cả các ngành nghề. Sức khỏe có bảo đảm thì bạn mới có thể hoàn thành tốt các công việc được giao, bất kể là đi công tác tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…
Thứ bảy: Các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển
Mỗi cơ quan tuyển dụng, mỗi vị trí việc làm sẽ có những điều kiện đặc thù không giống nhau. Điều 4 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức có nêu rõ “các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển” sẽ do cơ quan sử dụng công chức xác định trên cơ sở phù hợp với khung năng lực vị trí việc làm.
Để cho dễ hình dung thì hãy để Công chức 247 lấy ví dụ cho bạn hiểu về một số “điều kiện khác” như sau: Cùng là thi vào vị trí việc làm gọi là Pháp chế nhưng Bộ Tư pháp thì yêu cầu có 02 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực pháp luật nhưng ở Bộ Công Thương thì lại không đặt ra yêu cầu này đối với thí sinh.
Vậy đọc tới đây, bạn đã biết được bản thân mình đủ điều kiện dự tuyển công chức hay chưa chưa? Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào xoay quanh việc dự tuyển hay ôn thi công chức, Công chức 247 vô cùng sẵn sàng cùng bạn giải đáp. Chúng mình luôn ở đây, chờ và sẵn lòng đồng hành cùng bạn!
===================================
Tìm hiểu về hệ thống ôn thi Công chức, viên chức bài bản số 1 Việt Nam:
– Website: congchuc247.vn, online.congchuc247.vn
– Fanpage: Hướng dẫn Ôn thi Công chức, Viên chức – Thầy Tài Tân Tiến
– Group: Cộng đồng ôn thi Công chức, Viên chức
– Hotline: 035.7807.035