Theo quy định tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức thì phỏng vấn là một trong ba hình thức thi Vòng 2 của các kỳ thi tuyển công chức.
Nói đến phỏng vấn, thường mọi người sẽ cho rằng đây là một hình thức có thể có nhiều tiêu cực (như thí sinh quen biết Giám khảo từ trước…) nhưng trên thực tế thì không phải vậy. Rất nhiều các thí sinh “tay bo” đã vượt qua được bài thi phỏng vấn và họ đều sở hữu cho mình những bí kíp riêng. Công chức 247 đã tổng hợp lại và hôm nay sẽ chia sẻ cho các bạn kinh nghiệm, góc nhìn để ôn luyện, vượt qua bài thi Phỏng vấn Công chức.
So sánh những điểm khác biệt giữa hình thức Phỏng vấn và hình thức thi viết
Trước hết, ta hãy cùng nhau đi so sánh những điểm khác biệt giữa hình thức Phỏng vấn và hình thức thi viết:
– Thời gian thi phỏng vấn ngắn hơn thời gian thi viết
Cụ thể, trong khi thời gian làm bài thi viết thường diễn ra trong 180 phút thì bài thi phỏng vấn thường chỉ diễn ra trong 30 phút mà thôi
– Đối với hình thức thi viết, tất cả những gì giám khảo đánh giá về bạn đều chỉ thể hiện qua bài thi trên giấy, trong khi thi phỏng vấn thì còn có yếu tố con người, tác phong và các kỹ năng khác. Nói cách khác, thi phỏng vấn có sự tương tác, trao đổi giữa Ban Giám khảo và thí sinh,
– 100 điểm của bài thi phỏng vấn bao thường gồm 03 phần: Kiến thức, kỹ năng và tác phong. Do đó, ngoài việc hỏi các câu hỏi trong Danh mục tài liệu được công bố, với hình thức này, bạn có thể “bị” đặt thêm một số câu hỏi ngoài lề về gia đình, xã hội….
Để dễ hình dung điểm khác biệt giữa 2 hình thức thi này thì mời bạn theo dõi bảng dưới đây:
Thi viết | Thi phỏng vấn | |
---|---|---|
Thời gian thi | Dài hơn, khoảng 180 phút | Ngắn hơn, chỉ khoảng 30 phút |
Yếu tố ảnh hưởng | Thuần túy liên quan đến kiến thức của bạn, việc bạn xử lý đề bài ra sao trên trang giấy | Có yếu tố con người, ngoài việc trả lời câu hỏi còn có sự tương tác giữa Giám khảo và thí sinh. Ngoài ra còn các yếu tố như tác phong, kỹ năng |
Nội dung thi | Câu hỏi nằm toàn bộ trong Danh mục tài liệu đã được công bố | Ngoài Danh mục tài liệu đã được công bố, có thể “bị” đặt thêm một số câu hỏi ngoài lề về gia đình, xã hội…. |
Bí quyết để vượt qua bài thi phỏng vấn công chức
Trên cơ sở hiểu được sự khác biệt nêu trên, Công chức 247 xin bật mí cho bạn các bí quyết để vượt qua bài thi phỏng vấn công chức như sau:
Yếu tố đầu tiên và cũng là yếu tố quan trọng nhất đó là bạn cần phải trang bị cho bản thân hành trang kiến thức đầy đủ nhất.
Các câu hỏi trong vòng thi phỏng vấn thường thiên nhiều về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của vị trí việc làm mà bạn đăng ký dự tuyển. Tất cả nội dung câu hỏi của vòng thi này đều nằm trong Danh mục tài liệu đã được công bố. Do vậy, bạn cần phải tập trung và bám sát ôn tập theo Danh mục tài liệu mà các cơ quan, đơn vị tuyển dụng đưa ra.
Ngoài ra, bạn cũng cần trang bị cho bản thân thêm các thông tin chung về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị và vị trí mà bạn đăng ký dự tuyển.
Việc có đầy đủ kiến thức cũng sẽ tạo ra cho bạn phong thái tự tin, nói đâu đúng đó và sẽ tạo ra ấn tượng đầu cực tốt với Ban Giám khảo. Ban Giám khảo sẽ đánh giá bạn là người chăm chỉ, nghiêm túc, có trình độ, hiểu biết và thực sự có mong muốn thi tuyển vào đó.
Yếu tố thứ hai cũng quan trọng không kém, đó là kỹ năng
Kỹ năng ở đây là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử và trả lời câu hỏi. Khi phỏng vấn, bạn cần phải thật tập trung vào câu hỏi mà Ban Giám khảo đưa ra, trả lời thật đúng trọng tâm, không quá dài dòng, lan man. Trong trường hợp, gặp phải câu hỏi “kỳ quặc” và có phần không liên quan, bạn tuyệt đối không được tỏ thái độ, mà phải vô cùng bình tĩnh và khéo léo, bởi mỗi câu hỏi được đặt ra đều có chủ đích của nó.
Đối với những câu hỏi không tiện trả lời trực tiếp vì trả lời trực tiếp dễ mất điểm, thì bạn có thể dẫn dắt câu hỏi trả lời sang một hướng khác. Ví dụ như câu hỏi về lương: “tại sao vào nhà nước, lương thấp mà em vẫn muốn vào?”. Nếu như bạn trả lời rằng “em không quan tâm đến lương” thì quá là bình thường. Bạn hãy dẫn dắt vấn đề theo hướng mục tiêu của bạn khi vào nhà nước đó là để cống hiến và lý tưởng cống hiến của bạn cho cơ quan vượt qua cả định kiến về mức lương.
Yếu tố cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, đó là tác phong
Khi bước vào vòng thi phỏng vấn, bạn hãy giữ cho mình tâm thế thật tự tin, bình tĩnh, hãy mặc những bộ trang phục thật lịch sự, phù hợp với tính chất công việc nhưng không được quá phô trương, bóng bẩy. Điều này vô cùng phản cảm và không phù hợp với môi trường công sở nhà nước.
Khi phỏng vấn, bạn nên có giao tiếp bằng cả ánh mắt với Ban Giám khảo, có thể sử dụng một vài ngôn ngữ hình thể để thể hiện quan điểm nhưng đừng quá cường điệu. Bạn tuyệt đối không đảo mắt qua lại quá nhiều, không ngó nghiêng, điều này chỉ khiến Giám khảo đánh giá bạn mất tập trung, không đủ bản lĩnh.
Trên đây là chia sẻ của chúng mình về hình thức thi phỏng vấn. Để có thêm thông tin về hình thức thi này nói riêng và tất tần tật về thi công chức nói chung, hãy cùng tham gia Cộng đồng thi tuyển công chức, viên chức và follow, inbox cho Công chức 247 để được chia sẻ và giải đáp nhé!
Từ năm 2024, Bộ Nội Vụ sẽ tổ chức Kỳ thi Kiểm định chất lượng đầu vào Công chức. Để tìm hiểu thêm về kỳ thi mới mẻ này hãy truy cập vào website kiemdinhcongchuc.vn
===================================
Tìm hiểu về hệ thống ôn thi Công chức, viên chức của Công chức 247:
– Website: congchuc247.vn, online.congchuc247.vn
– Fanpage: CÔNG CHỨC 247
– Group: Cộng đồng ôn thi Công chức, Viên chức
– Hotline: 035.7807.035