Bạn có đang hiểu sai về kỳ thi Kiểm định chất lượng đầu vào Công chức?

Ngày 21/02/2023, Chính Phủ đã ban hành Nghị định số 06/2023/NĐ-CP về việc thực hiện kỳ thi kiểm định chất lượng đầu vào công chức có hiệu lực từ ngày 10/4/2023 với nhiều điểm đổi mới được cho là khách quan và công bằng hơn. Tuy nhiên rất nhiều thí sinh thậm chí là phụ huynh đang hiểu lầm về mục đích của việc tổ chức kỳ thi này dẫn đến có rất nhiều các quan điểm trái chiều, kiểu như: việc tổ chức thi Kiểm định chất lượng đầu vào Công chức là một cách cố ý phát sinh thêm làm cho kỳ thi vốn đã khó nay lại càng trở lên khó hơn? Hay đây là hành động “đẻ giấy phép con” làm phát sinh thêm tiêu cực cho kỳ thi cũng như gây khó dễ hơn với những người không có chứng chỉ tương tự?

Hôm nay, Công chức 247 sẽ chỉ ra 04 hiểu lầm về kỳ thi Kiểm định chất lượng đầu vào Công chức, hãy đọc để biết mình có đang mắc phải những hiểu lầm như này không nhé!

Hiểu lầm 1: Đã là Công chức nhưng vẫn phải thi Kiểm định chất lượng đầu vào Công chức?

Có rất nhiều người dù đã thi đỗ và đang là một Công chức Nhà nước rồi nhưng khi nghe loáng thoáng thông tin rằng sắp tới Công chức buộc phải thi kiểm định chất lượng thì đều hiểu nhầm rằng bất kỳ ai làm trong cơ quan nhà nước sẽ đều buộc phải tham gia thi kiểm định này. Nhưng nếu mọi người đọc thật kĩ ngay từ tên của kỳ thi là: “Kiểm định chất lượng đầu vào Công chức” có thể thấy rõ rằng đối tượng mục tiêu mà kỳ thi Kiểm định này đang hướng tới là chỉ những người đăng ký tuyển dụng đầu vào Công chức, tức là người chuẩn bị tham gia tuyển dụng đầu vào Công chức thôi. 

Hiểu lầm 2. Hiện nay thí sinh dự thi tuyển Công chức đang phải thi 02 vòng, thi thêm Kiểm định chất lượng đầu vào Công chức nữa là 03 vòng tất cả? 

Theo như quy định tại Nghị định số 06/2023/NĐ-CP, việc tổ chức thi vòng 1 trong thi tuyển công chức tiếp tục được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP đến hết ngày 31 tháng 7 năm 2024. Trong thời gian này, người đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào theo quy định tại Nghị định này khi tham gia thi tuyển công chức không phải thực hiện thi vòng 1 theo quy định tại khoản 1 Điều 8 và điểm a, điểm b khoản 3 Điều 14 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP. Kể từ ngày 01/8/2024, cơ quan tuyển dụng công chức chỉ tuyển dụng công chức đối với người đạt kết quả kiểm định.

Như vậy có thể thấy kết quả của kỳ thi Kiểm định chất lượng đầu vào Công chức sẽ được thay thế cho kết quả của vòng 01 trong thi tuyển công chức hiện nay. Hơn nữa, sau khi tổ chức kiểm định, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ không phải thực hiện thi 02 vòng như hiện nay nữa mà chỉ tổ chức thi 01 vòng nghiệp vụ chuyên ngành để tuyển dụng công chức đối với những người đã đạt chất lượng kiểm định. Nói cách khác Kiểm định chất lượng đầu vào Công chức sẽ thay thế cho vòng 01 do bộ, ngành, địa phương tổ chức hiện nay và thí sinh vẫn chỉ phải thi tổng là 02 vòng tất cả.

Hiểu lầm 3. Kỳ thi Kiểm định chất lượng đầu vào Công chức sẽ chỉ diễn ra 1 lần/1 năm?

Điều này là không đúng. Theo như quy định tại Nghị Định số 06/2023/NĐ-CP thì: Việc tổ chức kiểm định sẽ được thực hiện định kỳ 2 lần/năm vào tháng 7 và tháng 11 hàng năm và theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức tuyển dụng, bảo đảm quyền lợi của thí sinh và bảo đảm sự chủ động của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng. 

Việc đăng ký kiểm định cũng có thể theo hai hướng khác nhau: Có thể do nhu cầu của từng thí sinh đăng ký với Bộ Nội vụ; hoặc các bộ, ngành chủ động đăng ký với Bộ Nội vụ để làm cơ sở cho việc tuyển dụng của họ.

Hiểu lầm 4. Thi Kiểm định chất lượng đầu vào Công chức khó hơn so thi vòng 1 do bộ, ngành, địa phương tổ chức hiện nay?

Sẽ là khó nếu so sánh rằng kỳ thi nào khó hơn hay dễ hơn kỳ thi còn lại. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng việc tổ chức Kỳ thi Kiểm định chất lượng đầu vào Công chức này sẽ khách quan, công bằng và đánh giá được đúng năng lực của toàn bộ thí sinh hơn so với việc từng cơ quan tự tổ chức thi vòng 01 như hiện nay. 

Bởi, việc từng Bộ, Ngành, địa phương tự tổ chức thi vòng 01 có thể có nhiều bất cập chẳng hạn như một số cơ quan, tổ chức vẫn còn lúng túng trong việc ra đề thi, nhiều cơ quan tổ chức thi không chuyên nghiệp dẫn tới chất lượng đề thi không đồng đều. Nội dung câu hỏi chưa đủ để đánh giá được khả năng hiểu biết, năng lực tư duy cùng với đó là là mức độ khó, dễ có độ chênh lệch lớn giữa các kì thi. Vì thế khó có thể đảm bảo được năng lực cũng như chất lượng tuyển dụng Công chức.

Thay vào đó, đối với kỳ thi Kiểm định chất lượng đầu vào Công chức được giao cho duy nhất một cơ quan độc lập tổ chức kiểm định đó là Bộ Nội vụ. Bài thi sẽ được ra dựa trên Kiến thức nền tảng cơ bản và cần thiết mà mọi Công chức đều phải nắm được. Việc tổ chức một cách thống nhất về nguyên tắc, quy trình, hình thức, nội dung cũng như chủ thể thực hiện việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức cho tất cả các bộ, ngành, địa phương trong cả nước, sẽ đảm bảo được tính khách quan, công bằng, chính xác hơn. Từ đó cũng tránh được một số tình trạng tiêu cực trong hoạt động tuyển dụng Công chức.

Kết quả Kiểm định chất lượng đầu vào Công chức được sử dụng thống nhất trong phạm vi toàn quốc chứ không riêng cho bộ, ngành, địa phương nào cả và có giá trị trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày có quyết định phê duyệt của Bộ Nội vụ. Trong thời hạn này, người đạt kết quả kiểm định được đăng ký thi tuyển công chức ở các cơ quan, tổ chức trong phạm vi toàn quốc. Còn các cơ quan sẽ căn cứ vào kết quả kiểm định để quy định điều kiện đăng ký dự tuyển phù hợp với yêu cầu tuyển dụng.

04 hiểu lầm trên là những hiểu lầm mà bọn mình-Công chức 247 thấy có tần suất xuất hiện nhiều nhất trong nhóm (Ôn thi kiểm định Công chức).Nếu các bạn vẫn còn đang thấy thắc mắc về bất kỳ điều gì thì hãy tham gia group Ôn thi kiểm định Công chức để dễ dàng trao đổi cũng như được giải đáp một cách nhanh nhất nhé!

===================================

Tìm hiểu về Hệ thống ôn thi ng chức, Viên chức của bọn mình tại:

– Website: congchuc247.vnonline.congchuc247.vn

– Fanpage: CÔNG CHỨC 247 ,Thầy Tài Tân Tiến – Chuyên luyện thi Kiểm định chất lượng đầu vào Công chức

– Group: Cộng đồng ôn thi Công chức, Viên chức ✅

– Hotline: 035.7807.035